Băng game The Legend of Zelda: Link’s Awakening cho máy Nintendo Switch

950,0001,200,000

The Legend of Zelda: Link’s Awakening tích hợp vô số đổi mới, đi kèm đồ họa vô cùng xuất sắc, khiến người chơi không hối tiếc chút nào.

Xóa

Thông tin bổ sung

Trọng lượng 0.2 kg
Tương thích

, ,

Nhà phát triển

Nintendo

Nhà phát hành

Nintendo

Ngày phát hành

20/09/2019

Thể loại

Phiêu lưu, hành động.

The Legend of Zelda: Link’s Awakening tích hợp vô số đổi mới, đi kèm đồ họa vô cùng xuất sắc, khiến người chơi không hối tiếc chút nào.

VÔ SỐ ĐỔI MỚI ĐÁNG GIÁ!

Nói sơ một chút về bối cảnh của The Legend of Zelda: Link’s Awakening, phiên bản này tạm thời đưa nhân vật Link thoát khỏi vương quốc Hyrule và “ma trảo” của ác thần Ganon, để đến với hòn đảo Koholint Island – nơi mọi thứ chỉ tồn tại trong giấc mơ của con cá thần Wind Fish.

Để đánh thức Wind Fish và thoát khỏi đây, Link cần tiêu diệt 8 con Nightmare, ác mộng của Wind Fish và thu thập đủ 8 món nhạc cụ để tấu lên khúc nhạc thần tiên.

Cũng cần nói thêm là The Legend of Zelda: Link’s Awakening vốn đã ra mắt từ rất lâu trên hệ máy Gameboy Color, vì vậy phiên bản “làm lại” năm 2019 này không có nhiều thay đổi về lối chơi và tư duy logic kiểu “cổ điển”.

Nói nôm na thì các ngóc ngách trong game thường sẽ bị chặn bởi các hố sâu, đá tảng… mà cần có những trang bị đặc biệt để nhảy, để nâng vật nặng… mới có thể qua được.

Các thứ đó chỉ có thể có được khi người chơi “giải mã” các mê cung trong game theo tuần tự – vì vậy sự tự do tuyệt đối như trong các phiên bản A Link Between Worlds hay Breath of the Wild là chắc chắn không có.

Dĩ nhiên, khi “hồi sinh” một tựa game quá “cổ lổ sĩ”, thì Nintendo chắc chắn phải tích hợp vào The Legend of Zelda: Link’s Awakening nhiều sự thay đổi để tạo nên sự mới mẻ.

Và may mắn thay, Nintendo vốn thuộc dạng hãng game “có tâm”, nên khi đưa ra cái giá 59.99 USD khá “chát” cho The Legend of Zelda: Link’s Awakening, họ cũng muốn chắc rằng những gì người chơi nhận được sẽ xứng với tầm giá đó.

Trước hết, có thể kể đến sự tiện dụng của các nút bấm. Còn nhớ trong phiên bản cũ Gameboy Color, người chơi chỉ có thể gán mọi trang bị vào 2 nút A và B.

Vì vậy, phần lớn thời gian 2 món trang bị chủ chốt luôn theo sát người chơi là thanh kiếm và cái khiên, còn các thứ khác chỉ thay đổi theo tình thế.

Việc này là không thể trách được, khi mà vào cái thời điểm năm “một ngàn chín trăm hồi đó”, hệ máy Gameboy Color chỉ sở hữu vỏn vẹn có… 2 nút A/ B, ngoài các nút D-Pad và Start/Select.

Do đó, với sự thay đổi cực lớn đến từ hệ máy Nintendo Switch với rất nhiều nút bấm dư dả, The Legend of Zelda: Link’s Awakening đã có nhiều thay đổi đáng khen, chẳng hạn như tích hợp các trang bị như “kiếm”, “vòng tay thần lực” và “giày thần tốc” thành các cơ chế bị động, có thể sử dụng mặc định mà không phải thay đổi trang bị.

Động thái này cải thiện đáng kể khả năng điều khiển của người chơi, giúp họ trải nghiệm game thoải mái và “mượt” hơn rõ rệt, so với việc cứ mỗi chút mỗi phải “đổi đồ” như năm xưa.

Kế đến, đó là phiên bản cũ năm xưa chỉ cho phép nhân vật di chuyển theo 4 chiều “lên xuống trái phải”, do hạn chế về thuật toán cũng như bố cục 4 nút điều hướng D-Pad.

Với The Legend of Zelda: Link’s Awakening, mọi thứ được kiến tạo với phong cách 2.5D-cận-3D, với sự hỗ trợ tuyệt đối của các cần Analog điều hướng tự do.

Vì vậy, cả nhân vật Link lẫn các kẻ địch nay đã có thể xoay trở 360 độ tự do, khiến các thao tác chiến đấu, đỡ đòn và né đòn trở nên đa dạng và hấp dẫn hơn hẳn.

Chưa dừng lại ở đó, The Legend of Zelda: Link’s Awakening còn tích cực cải tiến các trò chơi “mini-game”, nhằm tạo nên các giây phút giải trí tuyệt vời cho người chơi ngoài những phút tìm đường và chiến đấu cân não.

Chẳng hạn như với trò “gắp thú”, với các cơ chế vật lý 3D hoàn toàn mới, việc điều khiển cần cẩu để gắp được các món đồ đã trở nên phức tạp hơn nhiều, đặc biệt là với hình thể 3D và kết cấu “4 ngón” của chiếc cần cẩu, các tình huống như gắp hụt hoặc đang gắp lên thì rơi xuống do lực ly tâm sẽ xuất hiện khá là “đều như vắt chanh”, tạo nên các trường hợp “dở khóc dở cười” cho người chơi.

Sau cùng, có thể nhắc đến cải tiến đáng giá nhất của The Legend of Zelda: Link’s Awakening lần này, đó chính là chế độ chơi kiến tạo mê cung cực kỳ hấp dẫn.

Mỗi khi người chơi hoàn thành một mê cung chính trong cốt truyện, họ sẽ có được một bộ “sưu tập” các bố cục trong mê cung đó để có thể sử dụng trong chế độ xây mê cung tự do thông qua NPC Dampé.

Với đặc thù các mê cung phải tuân theo quy luật điểm đầu – điểm cuối (phòng đấu trùm), cũng như hướng cửa ra vào của các căn phòng là hoàn toàn khác nhau, người chơi sẽ có vô số lựa chọn để xây dựng nên các mê cung độc đáo “không đụng hàng” để thử thách chính mình và bạn bè.

ĐỒ HỌA “CHUẨN KHỎI CHỈNH”

Trong giới công nghiệp game, khi nhắc đến cụm từ “đồ họa đẹp”, thông thường người ta sẽ nghĩ ngay đến các mẫu thiết kế nhân vật “nam thanh nữ tú” của Square Enix hay các đoạn phim cắt cảnh say lòng “chuẩn xi-nê” của Blizzard.

Quả thật khi công nghệ phát triển càng cao, người ta lại càng có xu hướng đánh đồng khái niệm “đồ họa đẹp” với độ tiệm cận với thực tế.

Tuy vậy, video game là một loại sản phẩm thuộc về trí tuệ và sáng tạo, và nó không nên có những loại chuẩn mực đi ngược lại với tính sáng tạo như vậy.

Do đó, hằng hà sa số game trên đời mới phân chia ra nhiều phong cách đồ họa đến vậy, và dường như mặc cho ai ngả theo chiều gió nào, thì Nintendo vẫn lẳng lặng bước đi trên con đường riêng của họ, hoàn toàn tách biệt khỏi đám đông – và The Legend of Zelda: Link’s Awakening chính là một minh chứng sống động nhất.

Từ trước đến nay, từ sau các hệ máy có phần cứng tương đối “khỏe” như GameCube và Wii, các phiên bản The Legend of Zelda đã có xu hướng đi theo con đường 3D với nhiều phong cách đồ họa khác nhau.

Với phiên bản “làm lại” Wind Walker trên Wii U và Breath of the Wild trên Switch, Nintendo đã cống hiến cho người chơi những trải nghiệm đồ họa mãn nhãn hết mức có thể, và kỳ diệu thay, là nó hoàn toàn thuộc về phạm trù nghệ thuật thị giác chứ chẳng hề phải gò bó theo con đường “y như thật” nữa.

Với The Legend of Zelda: Link’s Awakening, Nintendo lại chọn một hướng đi hoàn toàn mới mẻ, khi họ hoàn toàn tái tạo lại một hòn đảo Koholint Island với bộ cánh thanh tân, tươi đẹp.

Chọn cho mình một phong cách tạo hình nhân vật theo kiểu hoạt hình “chibi” (tỉ lệ đầu-thân 1:1), thế giới trong The Legend of Zelda: Link’s Awakening bỗng chốc trở nên thật dễ thương và ngộ nghĩnh khi mọi dạng nhân vật từ NPC, kẻ địch cho đến bọn “trùm” đều được thể hiện vô cùng độc đáo.

Kết hợp với tông màu vô cùng tươi tắn và bắt mắt, đồ họa của The Legend of Zelda: Link’s Awakening lại càng hút hồn người chơi hơn nữa qua từng phân cảnh khác biệt.

Từ ngôi làng Mabe thanh bình, êm ả; các bình nguyên rợp bóng cỏ xanh rì; những hang động âm u ẩm thấp dưới ánh đuốc leo lét… cho đến 8 hầm ngục với những phong cách hoàn toàn biệt lập; tất thảy đều được thể hiện một cách tỉ mỉ, chăm chút – và càng đặc biệt hơn là từng hòn cây, ngọn cỏ, tảng đá, vách tường… đều được đồng nhất theo một phong cách độc đáo mà chỉ riêng trong The Legend of Zelda: Link’s Awakening mới có.

Mọi mô hình trong The Legend of Zelda: Link’s Awakening đều được kiến tạo với dạng thức 3D hoàn chỉnh, kết hợp với góc nhìn từ trên xuống (hơi nghiêng một chút) – hợp lại, chúng tạo nên những trải nghiệm thị giác thật sự sáng tạo và mới lạ.

Kết hợp với các mô thức diễn hoạt thú vị của nhân vật Link cùng bọn quái vật ngộ nghĩnh, những giờ phút trong The Legend of Zelda: Link’s Awakening khiến người chơi như chìm vào một thế giới hoàn toàn biệt lập mà quên đi cả hiện thực xung quanh mình.